Tiền vệ người Đức Mesut Ozil giống món đồ xa xỉ, khó sử dụng trong bảy năm ở Arsenal trước khi sang Thổ Nhĩ Kỳ đá cho Fenerbahce.

Ozil bắt đầu chơi bóng ở ngôi trường Affenkafig, thuộc thành phố Gelsenkirchen nằm về phía bắc của vùng Ruhr trong tiểu bang Nordrhein-Westfalen, nơi thường được gọi là “lồng khỉ”. Mặt sân ở đây đầy bụi bặm và sỏi đá, trên đầu là lưới thép và các dầm kim loại mỏng đan chéo nhau. Đây là một trong những nơi khiến con người ta phải khao khát thoát ra.

Và Ozil đã làm được điều đó: anh trở thành thành viên của đội một Schalke năm 17 tuổi, chuyển sang Bremen trước khi đến Real Madrid, rồi cùng tuyển Đức đoạt HC Đồng World Cup 2010 và lên đỉnh thế giới bốn năm sau đó.

Ozil gia nhập Arsenal vào ngày cuối kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm 2013, khi anh 24 tuổi – độ tuổi sung mãn nhất của một cầu thủ, với mức giá kỷ lục của CLB lúc bấy giờ 60 triệu USD. Khi đó, Arsenal đang trải qua 8 năm trắng tay, phải bán hàng loạt trụ cột. Vì thế, vụ tuyển mộ Ozil – tiền vệ đẳng cấp thế giới – là cú hích cực lớn, mang lại làn gió mới và được coi là biểu tượng của một kỷ nguyên mới tại Arsenal. Anh được kỳ vọng sẽ nâng tầm đội bóng này.

“Đó có lẽ là bản hợp đồng thú vị nhất”, Robbie Lyle, người sáng lập kênh Arsenal Fan, nhớ lại. “Khi bản hợp đồng được xác nhận, hàng trăm cổ động viên đã vây kín các con phố xung quanh sân Emirates và hô vang tên của Mesut Ozil. Tôi nhớ đã phỏng vấn một anh chàng, và anh này nói rằng ‘Đây chính là bản hợp đồng bước ngoặt. Đây là sự khởi đầu mới'”.

Nhưng hồi tháng 1/2021, Ozil gia nhập Fenerbahce, khép lại 7 năm rưỡi khoác áo “Pháo thủ”. Trong ngần ấy thời gian, tiền vệ người Đức cùng CLB đoạt ba Cup FA và tạo nên những khoảnh khắc khó quên ở sân Emirates. Ozil có thể làm những điều mà không ai khác có thể làm được: tung ra những đường chuyền chết người, hay ghi bàn theo kiểu dứt điểm “chặt bóng” đặc trưng. Ozil sút bóng chạm đất và nẩy qua người thủ môn, một kỹ thuật đầy sáng tạo mà chẳng ai có thể làm được, ngoài anh. Trong mùa giải đỉnh cao nhất 2015-2016, Ozil có tới 19 pha kiến tạo – thành tích chỉ kém huyền thoại Thierry Henry và Kevin de Bruyne trong kỷ nguyên Ngoại hạng Anh.

“Cậu ấy tạo ra những khoảnh khắc chói sáng khiến cả nước Anh phải đứng hình và theo dõi trong sự kinh ngạc”, Dietmar Hamann – cựu tiền vệ của tuyển Đức và Liverpool nói. “Như bàn thắng vào lưới Ludogorets tại vòng bảng Champions League mùa 2016-2017 vậy, Ozil lốp bóng vượt qua thủ môn, rồi làm động tác giả khiến hai hậu vệ đối phương trôi đi, đưa bóng về chân trái rồi dứt điểm vào lưới trống. Không nhiều cầu thủ trên thế giới có thể làm được điều này”.

Dù vậy, với một cầu thủ có mọi tố chất để trở thành huyền thoại, Ozil chưa bao giờ phát huy hết được những khả năng của mình. Anh chỉ đá 184 trận Ngoại hạng Anh, ít hơn cả Yossi Benayoun và Alex Song. Ozil cũng chưa vô địch Ngoại hạng Anh, chẳng được trao giải Cầu thủ xuất sắc nhất mùa, và chưa biết cảm giác chơi ở tứ kết Champions League trong bảy năm rưỡi khoác áo Arsenal. Nhà báo Ken Early của tờ Irish Times hồi Một miêu tả sự nghiệp của Ozil tại Arsenal là “bảy năm xuống dốc một cách từ từ chậm rãi”.

Và cái kết thì thật chua chát. Ozil đến sân Emirates mang theo quá nhiều kỳ vọng, anh được coi là sự giải thoát cho Arsenal, cho các CĐV, là sự bùng nổ sau những năm tháng không danh hiệu. Nhưng cuối cùng, tất cả đều bị mắc kẹt: Arsenal thì bị trói buộc bởi hợp đồng, các CĐV thì bị kẹt giữa sự cảm thông và thù hận, còn bản thân Ozil thì bị đầy đọa trong những năm tháng đỉnh cao nhất của sự nghiệp, một người với mức lương cao ngất ngưởng bị bỏ rơi trong ngục tối mạ vàng.

Những năm tháng cuối ở Arsenal, Ozil là người thừa. Anh vắng mặt trong mọi trận đấu, nhưng lại luôn xuất hiện trên trang nhất các mặt báo, khiến chính phủ nhiều nước phải khó chịu, và các phóng viên thì luôn nhắc về anh trong mỗi cuộc họp báo. Những đóng góp của Ozil lúc này không còn nằm trên sân bóng nữa, mà ở các lĩnh vực khác, như khi anh có những hành động và phát biểu giúp chống lại sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo, về nhân quyền và tài chính. Vậy một câu hỏi được đặt ra là: nếu một cầu thủ bóng đá không ra sân thi đấu trong gần một năm, thì liệu anh ấy còn để lại những dấu ấn gì không?

Dưới ánh đèn sân khấu ở London

Tháng 1/2018, Ozil gia hạn hợp đồng với Arsenal, hưởng lương tuần 496.000 USD trước thuế, mức đãi ngộ cao nhất trong lịch sử CLB. Bản hợp đồng này chia sự nghiệp của Ozil tại Arsenal thành hai giai đoạn: thành công và thất bại. Robbie Lyle, người sáng lập kênh Arsenal Fan, đã nói: “Đã có nhiều CĐV nghĩ ‘Giờ thì anh đã nhận được rất nhiều tiền rồi, chúng tôi muốn anh phải thể hiện mỗi tuần. Anh là cầu thủ hay nhất Arsenal’. Ozil đã phải chịu nhiều áp lực hơn sau quyết định gia hạn hợp đồng này”. Cũng trong tháng 1/2018 đó, Alexis Sanchez vừa mới chuyển đi, và việc Ozil – một ngôi sao lớn còn lại của Arsenal – cũng ra đi là điều không tưởng.

Mặc dù vậy, Sven Mislintat, người đứng đầu bộ phận tuyển dụng, tỏ ra nghi ngờ về sự đúng đắn của quyết định này: giữ chân Ozil và để Sanchez ra đi. Và hoài nghi của Mislintat là hoàn toàn chính xác. Năm mùa giải trước đó dưới thời Wenger, Ozil trung bình tạo ra 0,37 pha kiến tạo và 3,55 cơ hội mỗi trận đấu. Nhưng con số này giảm xuống 0,11 pha kiến tạo và 2,3 cơ hội được tạo ra mỗi trận, sau khi gia hạn hợp đồng với Arsenal.

Nhưng việc Ozil sa sút đến từ thái độ của anh, hay do việc Arsenal đã thay đổi cách chơi bóng? Dưới thời Wenger, Arsenal đá cống hiến, ban bật đẹp mắt và luôn sử dụng những đường chọc khe từ khu vực giữa sân. Nhưng khi Unai Emery lên nắm quyền, HLV người Tây Ban Nha chú trọng hơn ở hai biên, và thay đổi này đã làm hại Ozil. Ngay cả Dick Law, người đại diện đàm phán hợp đồng của Ozil với Arsenal, đã phải lên tiếng 18 tháng sau đó: “Liệu Ozil có sẵn sàng đóng góp thường xuyên cho đội bóng cả về mặt thể chất lẫn tinh thần?”. Ozil, ở độ tuổi 30, sẽ là mảnh ghép hoàn hảo cho một đội bóng mạnh, được tinh chỉnh, với những con người đồng đều về trình độ, nhưng anh không thể là nền tảng để xây dựng một triều đại mới.

Hai tháng sau khi bị thay ra trong trận chung kết Europa League năm 2019 thua Chelsea, Ozil, cùng vợ Amine Gülse, và đồng đội Sead Kolasinac, đã bị một băng cướp đội mũ bảo hiểm và đi xe máy, dùng dao để uy hiếp cướp giật tài sản giữa ban ngày ban mặt tại London ngày 25/7/2019. Kolasinac chống trả quyết liệt, còn Ozil đã đóng cửa xe và nhanh chóng lái chiếc xe tới một nhà hàng gần đó để cầu cứu. “Có Chúa mới biết điều gì sẽ xảy ra nếu những tên cướp bắt được cậu ấy”, một nhân chứng nói. “Ozil trông cực kỳ hoảng loạn và tâm trí thì như vỡ vụn ra từng mảnh vậy”. Hai tuần sau đó, những kẻ này đã bị cảnh sát bắt giữ sau khi cố gắng gây hấn với các nhân viên bảo vệ bên ngoài căn nhà của Ozil ở Highgate. Sự việc đáng sợ này có một tác dụng kỳ lạ, dù tạm thời, mang lại sự đồng cảm lớn bên cạnh những bình luận ác ý nhắm vào Ozil. Người hâm mộ tỏ ra nhẹ nhàng, cảm thông hơn khi Ozil thường xuyên vắng mặt trong đội một, hay có những màn trình diễn kém cỏi sau đó.Video Player is loading.ReplayHiện tại 0:07/Thời lượng 0:07Đã tải: 0%Tiến trình: 0%Bỏ tắt tiếngToàn màn hình

Thông thường, các cầu thủ nước ngoài khi thi đấu tại Ngoại hạng Anh sẽ được coi là “lính đánh thuê”, nhưng Ozil thì ngược lại, anh muốn được thừa nhận và thuộc về nơi này. Ông bà và cha của Ozil đã rời Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 1960 để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Ozil cũng rời nước Đức, để tìm cách vượt qua cái bóng của chính mình. Và ở London, cuối cùng anh cũng cảm thấy ổn định. “Bất cứ khi nào mọi người nhìn thấy tôi trên đường phố, tôi luôn tự nhủ rằng ‘Đây là nhà của mình”, Ozil từng nói với The Athletic. Nhưng rồi, vụ cướp và những lời lẽ đe dọa sau đó đã cướp đi mọi thứ.

Những kẻ quá khích luôn chỉ trích màn trình diễn, phong cách thi đấu và chửi bới, để lại lời lẽ khó nghe trên những bài đăng trên mạng xã hội của Ozil, nhưng giờ đây, những kẻ đó đã ở ngay trước của nhà anh rồi. “Một thực tế đáng sợ đó là, không quá khó để tìm ra nhà của một cầu thủ bóng đá”, một nhân viên làm việc với các cầu thủ Ngoại hạng Anh nói. “Thật khó để giải thích với các cầu thủ rằng, họ dễ bị tổn thương như thế nào. Họ phải hết sức cẩn thận, bởi những người đang lợi dụng họ để làm điều sai trái. Cuối cùng thì họ bị cô lập, và rất cô đơn”.

Chương đầu của cuộc đời Ozil, một người đã thực hiện giấc mơ của anh với đỉnh cao là chức vô địch World Cup, có thể coi là câu chuyện cổ tích hiện đại. Một đứa trẻ có cha mẹ nghèo xuất thân từ dân nhập cư, ở tầng lớp thấp của xã hội, nhờ làm việc chăm chỉ và tài năng thiên bẩm đã vươn lên mạnh mẽ, kiếm được hàng triệu USD, mang lại niềm vui cho hàng triệu người hâm mộ tại nhiều quốc gia, được công chúng toàn cầu ngưỡng mộ và đón nhận.

Nhưng những năm tháng cuối ở London đã khiến giấc mơ này tan vỡ. Bất chấp những đóng góp miệt mài tại Arsenal, Ozil vẫn không được thừa nhận. Dù có tài năng và giàu có đến cỡ này, anh cũng không hề thoải mái với cuộc sống của mình. Tiền vệ người Đức đã bị giam cầm tại chính thành phố mà anh yêu mến, nơi đã đón nhận anh như một siêu anh hùng hơn bảy năm về trước.

Lấn sân sang chính trị

Một điều trớ trêu là khi trở lại sân bóng sau đó, Ozil thi đấu an toàn, đơn giản hơn. Mùa trước, anh có hai kiến tạo, nhưng chỉ chuyền hỏng ở phần sân đối phương trung bình 4,8 lần mỗi trận – thành tích tốt nhất trong sự nghiệp thi đấu Ngoại hạng Anh. Con số này ở mùa 2015-2016, mùa giải Ozil thi đấu thăng hoa nhất, là hơn 8 lần mỗi trận. Ozil không phải là mẫu cầu thủ có thể gồng gánh cả đội. Anh sẽ đạt phong độ cao nhất khi thi đấu tự do, thoải mái, còn khi phải chịu nhiều áp lực, được nhiều đồng đội tín nhiệm thì Ozil khó lòng phát huy hết khả năng.

Trái ngược với hình ảnh kém tạo bạo trên sân cỏ, Ozil lại thể hiện bộ mặt mạnh mẽ trước công chúng. Vào năm 2019, nhà sử học văn hóa Laurent Dubois đã nhận định rằng, một phần năng lực của Ozil nằm ở sự bình tĩnh, bởi anh ấy không muốn phá vỡ hình ảnh thương mại đã được xây dựng rất cẩn thận của mình, một điều tương đối quen thuộc đối với hầu hết các ngôi sao đỉnh cao. Và Ozil đã trở thành khởi đầu mới cho những khao khát và dự đoán của người khác. Tuyên bố giã từ đội tuyển Đức của Ozil thật mạnh mẽ, và nó đến như một tia chớp giữa bầu trời trong xanh.

Khi các cánh cửa đang dần đóng lại, Ozil quyết định thực hiện một trong số ít quyền tự do ít ỏi còn lại, khi đôi chân bị giam cầm, anh đã sử dụng tiếng nói. Tháng 12/2019, Ozil cho rằng cộng đồng Hồi giáo đã im lặng trước tình trạng Trung Quốc “đàn áp” người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Đến bây giờ, vẫn có rất ít người nổi tiếng nói về những người Duy Ngô Nhĩ, trong đó có những cầu thủ là Antoine Griezmann, Demba Ba, Franck Ribéry hay nữ ca sĩ người Thụy Điển Zara Larsson. Ozil là một trong những người đầu tiên lên tiếng về vấn đề này, và cái giá phải trả là rất đắt.

Ba ngày sau khi Ozil có những chia sẻ trên Twitter, kênh truyền hình Trung Quốc CCTV đã hủy phát sóng trận Arsenal – Man City. Tiền vệ sinh năm 1988 bị xóa khỏi trò chơi Pro Evolution Soccer phiên bản Trung Quốc, trong khi tài khoản Weibo sở hữu hơn bốn triệu lượt theo dõi của anh cũng bị đóng. Arsenal sau đó phát đi thông báo cho khẳng định hành động của Ozil hoàn toàn mang tính cá nhân, và đội bóng này “luôn tuân thủ nguyên tắc không liên quan đến chính trị”. Dù vậy, Pháo thủ sau đó lại công khai ủng hộ phong trào Black Lives Matter và lên tiếng về sự tàn bạo của cảnh sát ở Nigeria.

Cũng trong tháng 12/2019, Arsenal bổ nhiệm Mikel Arteta làm HLV trưởng. Ban đầu, quan hệ giữa Ozil với Arteta rất tốt đẹp, khi tiền vệ người Đức đá chính cả 10 trận Ngoại hạng Anh đầu tiên dưới triều đại mới. Trong chiến thắng 2-0 trước Man Utd ngày 2/1/2020, Ozil di chuyển quãng đường lên tới 11.5 km, nhiều nhất bên phía Arsenal, và giành lại quyền kiểm soát bóng tới 10 lần, tốt hơn bất cứ cầu thủ nào trên sân.

Nhưng khi bóng đá trở lại sau dịch Covid-19 vào tháng 5, Ozil đã bị gạch tên khỏi kế hoạch của Arteta. Anh không thi đấu một phút nào, và sau khi ngồi dự bị ở hai trong ba trận đầu tiên, Ozil thậm chí còn không được Arsenal đăng ký ở các trận tiếp theo nữa.

Tới tháng 10/2020, sau quyết định gạch tên Ozil khỏi danh sách tham dự Ngoại hạng Anh mùa này, HLV Arteta nói rằng ông đã “thất bại trong việc giúp Ozil tìm lại phong độ cao nhất”, và khẳng định việc thải loại tiền vệ người Đức là vì lý do chiến thuật. Theo tờ The Times, cả Arteta lẫn vị tiền nhiệm Emery đều muốn xây dựng lối chơi xung quanh Ozil, nhưng rồi cả hai đều nhanh chóng thay đổi quyết định.

Hamann thì nhận định: “Luôn có những chỉ trích cho rằng Ozil thi đấu thiếu sự ổn định, nhưng tôi không bao giờ nghi ngờ về sự quyết tâm của cậu ấy. Điều khó nhất trong bóng đá là tạo cơ hội và ghi bàn. Và khi bạn có mẫu cầu thủ như Ozil trong đội hình, bạn cần phải cho cậu ấy nhiều khoảng trống. Tôi không muốn Ozil phải lùi về tranh bóng hay phòng ngự. Nếu tôi thi đấu cùng Ozil, tôi sẽ nói với cậu ấy, như từng nói với Steven Gerrard rằng ‘Cậu hay đứng ở vòng tròn giữa sân này. Chúng tôi sẽ lấy lại bóng’. Các đồng đội cần phải hỗ trợ cậu ấy trong việc phòng ngự”.

Bầu không khí ở các buổi tập của Arsenal khá nặng nề, khi Ozil vẫn tập luyện dù không được đăng ký thi đấu. Tại Ngoại hạng Anh, các đội luôn có một nhóm cầu thủ chơi thân với nhau, thường là những người này nói chung một thứ ngôn ngữ. Ở Arsenal, Ozil chơi thân với Kolasinac, Shkodran Mustafi, Sokratis, những người nói tiếng Đức, và cả Mattéo Guendouzi. Và sự khó chịu của Arteta với Ozil đã được thể hiện trong cuộc thanh trừng ở hai kỳ chuyển nhượng gần nhất, khi tất cả những cái tên kể trên đều đã rời sân Emirates.

Tháng 4/2020, Arsenal trở thành đội đầu tiên tại Ngoại hạng Anh giảm tổng lương của cầu thủ, khi đạt thoả thuận giảm lương trong 12 tháng với các cầu thủ và thành viên ban lãnh đạo của đội một. Ban đầu, các ngôi sao của Arsenal từ chối giảm lương. Nhưng sau đó, đích thân HLV Mikel Arteta đã nói chuyện và thuyết phục họ chấp nhận đề xuất của CLB. Tuy nhiên, Ozil từ chối giảm lương, tiền vệ người Đức cho rằng anh cần biết cụ thể tình hình tài chính của CLB, số tiền giảm đó được sử dụng như thế nào và liệu Arsenal có đảm bảo công việc cho các nhân viên hay không.

Robbie Lyle cho rằng các CĐV Arsenal ủng hộ quyết định này của Ozil. “Chúng tôi không có những thông tin cụ thể, nhưng đa số CĐV đồng tình với việc Ozil không giảm lương. Cậu ấy muốn biết số tiền lương giảm đó được sử dụng cụ thể như thế nào, và đây cũng là điều mà nhiều CĐV đã thắc mắc từ lâu”.

Vào tháng 8/2020, Arsenal thông báo cắt giảm 55 nhân viên của đội bóng từ mùa giải mới do khủng hoảng tài chính bởi đại dịch Covid-19, một trong số đó có Jerry Quy, người đóng linh vật Gunnersaurus của Arsenal trong những trận sân nhà tại Emirates. Ozil rất nhanh đề nghị bỏ tiền túi để trả lương cho Jerry Quy: “Tôi rất buồn khi Jerry, linh vật nổi tiếng và trung thành của chúng ta, một phần không thể thiếu của Arsenal đã trở thành người thừa sau 27 năm. Tôi đề nghị cắt một phần lương của mình cho Jerry, chừng nào còn là người Arsenal”, anh viết trên Twitter. Hành động của Ozil như một pha kiến tạo qua hai chân đối phương vậy, cho thấy sự hào hoa của Ozil, nhưng lại là sự sỉ nhục với ban lãnh đạo Arsenal.

Sự việc liên quan tới Gunnersaurus có thể coi là giọt nước làm tràn ly, khép lại những ngày cay đắng giữa Ozil và Arsenal. Nhìn chung, những năm tháng cuối cùng của Ozil tại sân Emirates đã cho thấy tầm ảnh hưởng của mạng xã hội lên thế giới bóng đá thời điểm hiện tại. Bây giờ, các cầu thủ còn có sức hút lớn với các CĐV hơn các đội bóng sở hữu họ. Ozil có nhiều hơn hàng triệu người theo dõi trên Facebook, Twitter và Instagram so với Arsenal.

Và vì vậy, thay vì uốn nắn ngôi sao lớn nhất từng được coi là tương lai của đội bóng, Arsenal đã buộc phải để Ozil đã đi. Ozil là một phần của Arsenal nhưng lại không thuộc về nơi này, mà anh chỉ tuân theo quỹ đạo riêng. “Mọi thứ kết thúc bằng cuộc chiến giữa Ozil và Arsenal. Và trong tâm trí của người hâm mộ, anh ấy đã giành chiến thắng”, Robbie Lyle nói.

Mối quan hệ gây tranh cãi

Một điều thú vị về Ozil là anh có nhiều khoảnh khắc làm người khác phải kinh ngạc, như những phát biểu về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, hay như lúc anh từ chối lời đề nghị giảm lương của Arsenal. Bên cạnh đó, Ozil cũng nhiều lần thể hiện sự yếu ớt, thiếu sức mạnh. Bóng đá luôn gắn liền với sức mạnh thể chất và lòng quyết tâm, nhưng Ozil lại mong manh và rất dễ bị khiêu khích.

Cầu thủ sinh năm 1988 sở hữu phong cách thi đấu được coi là trái ngược với những gì thường thấy ở một VĐV thể thao, đó là sự mạnh mẽ, quyết đoán và nhiệt huyết. Khi thi đấu, Ozil không hô hào hay có những pha tranh chấp thể hiện sự quyết liệt. Đây là tính cách từ khi con bé, khi Ozil phải vật lộn trong những ngày đi học, nhút nhát đến mức thấy việc đọc to tiếng Đức giữa lớp là một “cực hình”, còn các giáo viên thì mô tả anh như “một đứa trẻ tự kỷ”.

Có lẽ điều này khiến Ozil luôn có xu hướng kết thân với những người có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán hơn, như người đại diện Erkut Sögüt, một luật sự có trình độ vấn học cao, hay Arsene Wenger, một HLV đầy quyền lực, và cả tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người từng là thị trưởng thành phố Istanbul.

Vào tháng 5/2018, Ozil gây tranh cãi gay gắt ở Đức khi chụp ảnh cùng ông Erdogan, người bị cáo buộc tiến hành các cuộc đàn áp chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ. Căng thẳng càng dâng cao khi Ozil thi đấu mờ nhạt, và Đức – ở vị thế nhà ĐKVĐ – bị loại ngay vòng bảng World Cup 2018. Anh sau đó đã tuyên bố chia tay tuyển Đức, và cáo buộc giới chức bóng đá nước này phân biệt chủng tộc.

Ozil khẳng định rằng việc chụp ảnh với Erdogan không liên quan đến chính trị hay bầu cử, đó đơn thuần chỉ là một hành động thể hiện sự tôn trọng. Nhưng thực tế thì hai người có mối quan hệ mật thiết hơn nhiều. Chỉ một năm sau đó, ông Erdogan nhận lời làm người bảo chứng cho đám cưới của Ozil và Hoa hậu Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014 Amine Gulse.

Với quyết định mời ông Erdogan đến dự đám cưới, Ozil như công khai thừa nhận gốc Thổ Nhĩ Kỳ của mình, một phần bản sắc anh sẽ phải từ bỏ nếu tiếp tục thi đấu cho tuyển Đức. Khi Đức đụng Thổ Nhỹ Kỳ ở vòng loại World Cup 2010, Ozil phải nộp lại hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ tại lãnh sự quán của họ, và bị “ép” chụp ảnh cùng bà Angela Merkel, dù anh đang ở trần. Sau khi tuyên bố giã từ tuyển Đức, Ozil nghiêng hẳn về gốc gác, anh đeo một chiến khăn in hinh lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ trong một chuyến đi chơi, thường xuyên du lịch tại thành phố Istanbul, và liên tục gặp Tổng thống Erdogan. Ozil từng nói rằng “anh có hai trái tim, một thuộc về nước Đức và một thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ”. Nhưng mọi thứ có lẽ không đơn giản như vậy.

“Mối quan hệ giữa Erdogan và Ozil vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính chính trị”, Ziya Meral, một học giả người Anh gốc Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết. “Họ chia sẻ tình yêu bóng đá, có cùng quan điểm ở nhiều thứ và có mối quan hệ tốt. Bên cạnh đó còn có biểu tượng mang tính chính trị ở Ozil: một người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ”.

Năm 2010, Ozil nhận giải thưởng đặc biệt cho tấm gương thành công của người nhập cư trong xã hội Đức và anh được kỳ vọng là cầu nối giữa hai nền văn hóa, Đức và Thổ Nhỹ Kỳ. Nhưng đối với ông Erdogan, Ozil lại phục vụ một mục đích hoàn toàn khác, đó là công cụ để chia rẽ.

“Ông Erdogan luôn chỉ trích sự đồng hóa của người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức, và nhiều người đã lên tiếng phản đối về cách họ bị đối xử tại Đức”, tiến sỹ Ziya Meral giải thích. “Đây là vấn đề căng thẳng giữa ông Erdogan và chính phủ Đức, khi ông đã vận động bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ ở nước này và yêu cầu những người Thổ Nhĩ Kỳ không được đánh mất di sản của họ. Ozil khi đó trở thành chìa khóa để giải quyết nhiều vấn đề: từ tham vọng của ông Erdogan trong việc thu hút số lượng phiếu bầu lớn từ các cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài, cũng như thái độ của Ozil với nhóm người này”.

Nhiều người đã ủng hộ quyết định chia tay tuyển Đức của Ozil, họ cho rằng Liên đoàn Bóng đá Đức đã có những phản ứng thái quá, và những cuộc gặp giữa Ozil và ông Erdogan là hoàn toàn vô hại. Nhưng việc cựu tiền vệ của Arsenal làm bạn thân của Erdogan đã làm lu mờ nhận định này.

Một thiên tài mâu thuẫn

Vậy Mesut Ozil sẽ được nhớ đến như thế nào? Nếu với tư cách một cầu thủ bóng đá, anh đã hết thời. Ozil bây giờ như một truyền thuyết vậy, những đường chuyền, những pha kiến tạo của anh chỉ còn được ít người nhắc đến.

“Nếu bạn yêu bóng đá, bạn sẽ yêu thích việc xem Ozil chơi bóng”, HLV Wenger từng nói. Khi nhà cầm quân người Pháp còn Arsenal, nhiều CLB có sự kết hợp giữa các công nhân và nghệ sĩ, và thi đấu với tôn chỉ “hai tiền vệ phòng ngự phải hoạt động năng nổ để số 10 thoải mái thi đấu ở phía trên”. Đó cũng là thứ bóng đá mà HLV Wenger hình dung khi mang Ozil đến sân Emirates.

Nhưng kỷ nguyên đó đang dần khép lại, và thật trớ trêu, bởi quan niệm, phong cách thi đấu mới lại xuất hiện từ chính quê hương Đức của Ozil. Vào ngày 19/12/1998, trên một chương trình truyền hình thể thao tại Đức, Ralf Rangnick đã thực hiện một bài thuyết trình về thứ bóng đá pressing, khi không có bóng thì cả đội, xuất phát từ những cầu thủ tấn công sẽ cùng di chuyển để bắt hết các đường chuyền của cầu thủ đối phương, gây sức ép để giành lại trái bóng ngay lập tức. Khi đó, việc cầu thủ di chuyển với cường độ cao trong suốt cả trận để pressing là điều phi thực tế. Nhưng hơn 20 năm sau, thứ bóng đá từng bị coi là “cổ lỗ sĩ” của Ralf Rangnick đã trở thành phong cách thi đấu của nhiều đội bóng tại châu Âu.

Và các cầu thủ bây giờ, thi đấu đẹp mắt thôi là chưa đủ, mà họ cần phải có mục đích rõ ràng. Bóng đá pressing lên ngôi, vị trí thiệt thòi nhất chắc chắn là số 10. Và Liverpool của Jurgen Klopp, hay Man City của Pep Guardiola có thể coi là biểu tượng của bóng đá trong kỷ nguyên mới.

Thật khó để khẳng định là tốt hay xấu, nhưng Ozil đã trở thành biểu tượng của một CLB luôn đề cao chất nghệ sĩ hơn sự năng nổ, sự tinh tế hơn là thực dụng, dù cho mọi việc không được như mong muốn. Sự xa hoa của Ozil dần trở nên thừa thãi, và sau cùng thì Arsenal cũng nhận ra điều đó. Ozil như một món đồ xa xỉ được mang về trong lúc cao hứng, rồi sau bạn đó dần trở nên xấu hổ vì món đồ ấy: như một chiếc bình pha lê tráng lệ phủ đầy bụi trên gác xép, hay một chiếc xe sang chạy xăng nằm một góc ga-ra trong khi những người hàng xóm đang trầm trồ về chiếc xe điện đời mới nhất của bạn.

Theo Hamann, Ozil đã không phát huy được hết tiềm năng của bản thân. “Cậu ấy đủ khả năng để làm nên những điều chưa từng có trong lịch sử Ngoại hạng Anh. Nhưng tôi cho rằng, Ozil sẽ không được coi là một cầu thủ vĩ đại của Arsenal, hay một huyền thoại tại Ngoại hạng Anh. Trên thang điểm 10, tôi chỉ chấm 5 hoặc 6 cho những gì cậu ấy thể hiện. Tôi nghĩ Ozil chưa phát huy được hết tiềm năng”.

Ngoài sân bóng, Ozil là một trong những nhân vật phức tạp và khó hiểu nhất. Đôi khi, chúng ta cảm giác có hai Ozil vậy, khi cầu thủ này có nhiều quyết định và hành động mâu thuẫn nhau. Anh lên tiếng đấu tranh cho nhân quyền, nhưng lại mời một chính trị gia bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đến dự đám cưới. Ozil là người tượng trưng cho sự đa dạng văn hóa, hay một biểu tượng của sự hội nhập thất bại? Một triệu phú tham lam đã từ chối lời đề nghị giảm lương để hỗ trợ CLB trong thời khắc khó khăn, hay một kẻ nổi loạn chính nghĩa đang tìm cách giúp đỡ các nhân viên của đội?

Có lẽ, sẽ là cái kết đẹp nếu Ozil khép lại sự nghiệp tại Istanbul, thành phố nằm giữa hai lục địa. “Khi Ozil tới đây, tôi thấy nhiều người hâm mộ đã đăng tải trên mạng xã hội rằng: ‘Chào mừng bạn trở về nhà. Chào mừng bạn đã trở về quê hương'”, Alp Ulagay – một ký giả thể thao người Thổ Nhĩ Kỳ – nói với Times.

Ozil, trong những năm cuối sự nghiệp đỉnh cao của anh, như đứng trên lằn ranh giữa hai lục địa, cầu thủ với hai dòng máu trong huyết quản mang theo mình một sự xung khắc không có hồi kết!