Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 2 trường hợp thừa kế đó là thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc. Thừa kế trong trường hợp này có điểm gì khác nhau? Trong bài viết này chúng tôi sẽ so sánh sự giống và khác nhau giữa thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật
1. Các khái niệm
Thừa kế theo di chúc là thừa kế theo ý chí nguyện vọng của người để lại di sản trước khi chết, ý chí nguyện vọng đấy được thể hiện bằng văn bản bởi người để lại di sản.
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định cụ thể theo Điều 649 Bộ luật dân sự 2015.
Về đối tượng được thừa kế như sau:
- Thứ nhất, thừa kế theo di chúc. Những cá nhân, tổ chức được người lập di chúc đề cập là người nhận di sản trong di chúc và đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
- Thứ hai, thừa kế theo pháp luật. đối tượng hưởng thừa kế bao gồm. Các cá nhân có quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng đối với người để lại di sản (Điều 651); Cha mẹ, vợ chồng, con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng mất khả năng lao động được pháp luật bảo vệ quyền thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc (Điều 664); Con riêng và bố dượng, mẹ kế (Điều 654).
2. Hình thức được thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật là thế nào
Thừa kế theo di chúc : theo ý chí, nguyện vọng của cá nhân khi lập di chúc, cá nhân được hưởng thừa kế phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế,cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế phải đang hoạt động vào thời điểm mở thừa kế; những người thuộc diện đương nhiên nhận thừa kế: cha, mẹ, vợ,chồng, con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mà không có khả năng lao động còn sống vào thời điểm mở thừa kế.
Thừa kế theo pháp luật gồm những trường hợp:
- Không có di chúc
- Di chúc không hợp pháp
- Những người thừa kế đều chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Thứ tự áp dụng: thừa kế theo di chúc được ưu tiên áp dụng trước. Thừa kế theo pháp luật chỉ được áp dụng khi rơi vào các trường hợp như phân tích ở trên.
3. Thừa kế thế vị
Thừa kế theo di chúc: không có thừa kế thế vị
Thừa kế theo pháp luật: Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
4. Phân chia di sản
Thừa kế theo di chúc:
– Được thực hiện theo ý chí của người lập di chúc, nếu di chúc không phân định rõ ràng thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc trừ trường hợp có thỏa thuận khác
– Trường hợp xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu huỷ do lỗi của người khác thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
– Trường hợp phân chia theo tỉ lệ khối di sản thì dựa vào khối di sản đang còn lại vào thời điểm mở thừa kế
Thừa kế theo pháp luật:
– Khi phân chia di sản nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng, để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra, được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
– Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia.